Bùng phát mạnh nhất trong thời gian gần đây là các đối tượng đã ăn cắp thông tin, ăn cắp tài khoản, giả mạo trang thanh toán điện tử… không chỉ chiếm đoạt tiền của người mua hàng, của doanh nghiệp, mà bọn chúng còn rút cả tiền từ hệ thống ngân hàng…
 
Từ phản ánh của khách hàng, Trung tâm điện máy Nguyễn Kim đã kiểm tra và phát hiện có một số cá nhân, tổ chức đã lập website có tên miền gần giống Nguyễn Kim như: Nguyenkim.net.vn, Dienmaynguyenkim.com, Trungtammuasamnguyenkim.com, Sieuthidienmaynguyenkim.com… rao bán các loại điện thoại, máy tính giả của các thương hiệu: HTC, Apple, Samsung… có thông tin khuyến mãi giảm giá 50% - 60%. Tuy nhiên, đại diện Nguyễn Kim khẳng định: "Nguyễn Kim chỉ có kênh bán hàng online duy nhất tại website www.nguyenkim.com".
 
Cũng liên quan đến việc mua hàng qua website, mới đây Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT cũng một phen hoảng hồn khi có một số khách hàng bỗng nhiên đến công ty một mực đòi nhận sản phẩm điện thoại iPhone 5 vì họ đã đặt mua và thanh toán tiền qua mạng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kỹ thông tin thì công ty biết được các khách hàng trên đã mua hàng qua trang web sieuthifpt.net và đã chuyển khoản số tiền hơn 10 triệu đồng để mua điện thoại. Đây là trang web giả mạo rất giống với trang web chính thức của Công ty FPT.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc lập trang web giả mạo để bán hàng hiện được các đối tượng lừa đảo thực hiện khá phổ biến. Chúng thường nhắm vào các đơn vị kinh doanh có thương hiệu, có uy tín trên thị trường, làm giả trang web giống như trang web chính thức của đơn vị đó để đăng tải thông tin bán hàng giá rẻ (thường giá chỉ bằng khoảng một nửa giá thị trường) nhằm "câu" khách hàng. Và trên thực tế, đã có rất nhiều người bị "sập bẫy" vì dính chiêu lừa này của bọn lừa đảo.
 
Nếu như các đơn vị kinh doanh trong nước bị các đối tượng tấn công bằng website giả mạo để chiếm đoạt tiền của người mua hàng thì các doanh nghiệp có kinh nghiệm làm ăn với đối tác nước ngoài cũng bị loại tội phạm này tấn công, chiếm đoạt tiền thông qua địa chỉ email giả mạo.
 
Điển hình, Công ty TNHH T&C (trụ sở Bình Dương) ký hợp đồng bán cho ông Ed Rinaldi (người Australia) 1 container hàng gốm sứ với trị giá hơn 8.000 USD. Việc trao đổi thông tin giữa hai bên được thực hiện qua email. Tuy nhiên, Công ty T&C không ngờ rằng, toàn bộ nội dung trao đổi giữa 2 bên đã bị hacker tấn công "ăn cắp". Vì vậy, sau khi xuất hàng, do không nhận được email thông báo thanh toán tiền hàng nên Công ty T&C đã liên hệ với ông Ed Rinaldi. Ông Ed Rinaldi cho biết là đã thanh toán hết tiền hàng qua tài khoản theo đề nghị từ địa chỉ email của công ty là carmensalesttc@gmail.com.
 
Tuy nhiên, sau khi xem kỹ đại diện Công ty T&C mới tá hỏa vì đó là địa chỉ email giả mạo, gần giống email của công ty; Tương tự thủ đoạn như trên, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cũng bị hacker xâm nhập "ăn cắp toàn bộ nội dung trao đổi mua bán hàng giữa công ty với một công ty đối tác nước ngoài. Cũng bằng email giả mạo, đối tượng yêu cầu Công ty đối tác của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen chuyển 115.537 USD tiền hàng vào tài khoản. Với những trường hợp trên, quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh (PC 46) đã xác định, các đối tượng lập các địa chỉ email giả mạo này đều là người nước ngoài.
 
Cũng với thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet, Phòng PC 46 Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện cơ quan này đang tiến hành điều tra để làm rõ 2 vụ có liên quan. Trong đó, vụ làm giả và buôn bán các loại văn bằng của các cơ sở giáo dục nước ngoài, quá trình điều tra ban đầu xác định, đầu năm 2011 Đồng Sĩ Phụng lập website www.bangdaihoc.com với giao diện tiếng Việt để hướng dẫn người Việt Nam mua các văn bằng giả của các cơ sở giáo dục nước ngoài với giá cao. Đồng thời, Phụng lập 2 email dùng để trao đổi thông tin với khách hàng.
 
Trong vụ này, Phụng giữ vai trò trung gian và đặt mua văn bằng giả với các công ty nước ngoài thông qua một số website gồm: phonydiploma.com; diplomacompany.com. Đến khi bị phát hiện, vợ chồng Phụng thu lợi được khoảng 1,2 tỷ đồng từ việc mua bán văn bằng giả.
 
Còn vụ mất tiền hơn 260 triệu đồng và 950 USD trong tài khoản số 3460793, 5877180 và 20044229 của tổ chức BAJ. Xác minh tại Ngân hàng ANZ, kết quả cho thấy toàn bộ số tiền trên đã được chuyển vào tài khoản mang tên Phạm Thị Sa và tài khoản mang tên Maria Cecilia Lopez (SN 1979, quốc tịch Philippines). Ban đầu, Sa thừa nhận có rút 200 triệu đồng từ tài khoản của mình nhưng số tiền này không biết ai đã chuyển vào?
 
Với hàng loạt mánh khóe, thủ thuật, thông qua mạng Internet để chiếm đoạt tiền của các đối tượng lừa đảo. Liên tục trong thời gian gần đây, một số ngân hàng cũng đã khuyến cáo khách hàng cảnh giác với tình trạng tin tặc lừa khách hàng truy cập vào link độc hại có chứa mã độc (thông qua các email giả mạo, email rác, website giả mạo) để lấy trộm tiền từ tài khoản của khách hàng.
 
Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng chỉ nên truy cập vào trang web chính thức của ngân hàng đó, tuyệt đối không truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến thông qua các đường link lạ được gửi qua email, tin nhắn… Còn khi mua hàng qua các website, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch.
 
Theo Thúy Hà
Công an Nhân dân