Thị trường tiềm năng.
Theo thống kê của trung tâm quản lý Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến thời điểm này đã có 440.082 tên miền Việt Nam đã được đăng kí. Ngoài những tên miền của các đơn vị, cá nhân đang hoạt động trên hệ thống, có gần 180.000 tên miền đã được đăng kí nhưng chưa hoạt động, đa phần số lượng này nằm trong tay các nhà đầu cơ .
Trước khi dự thảo luật được ban hành, theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin và Pháp lệnh Bưu chính viễn thông hiện hành, tên miền “.vn” nằm trong số các danh mục được coi là tài nguyên thông tin quốc gia và không được phép mua bán.
Tuy nhiên, với xu hướng kinh doanh trực tuyến ngày càng phát triển, kinh doanh tên miền là một xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh này đến nay chỉ là giao dịch cá nhân giữa người mua và người bán và mang khá nhiều rủi ro.
Kinh doanh tên miền đã có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 2000 khi đó chủ yếu là giao dịch tên miền quốc tế. Có một số người Việt kiều và nhà đầu tư trong nước biết đến thị trường này và tham gia rất sớm. Vì tên miền quốc tế được mua bán tự do ngay từ đầu. Họ chỉ cần qua một đại lý tên miền như Register, Goddady, Checkdomain,…để đăng ký tên miền từ 5 đến 10 USD là họ đã có thể sử dụng hoặc bán lại cho người khác với giá cao hơn nhiều lần.
Ví dụ như Satoshi Shimoshita (sống tại Việt Nam, không rõ danh tính thật) nắm trong tay khoảng 3.000 tên miền quốc tế, gồm nhiều tên tỉnh thành, Mypham.com, KhachSan.com… và hầu hết là đăng ký trong giai đoạn năm 2000 - 2002.
Hiện nay, các nhà đầu tư tên miền đã nhanh tay nắm giữ rất nhiều tên miền trùng với thương hiệu các doanh nghiệp lớn hay các nhân vật nổi tiếng. Điều này cho thấy, thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam chưa có cái nhìn xa trong vấn đề lưu giữ bản quyền tên miềncủa mình trong lĩnh vực Internet. Chỉ đến khi có chiến lược phát triển làm ăn ra nước ngoài, mới đầu tư mua lại từ những người đầu cơ thì, giá trị tên miền đó đã bị đẩy lên rất cao, đơn cử như việc BKAV phải bỏ ra đến 2,3 tỷ để mua lại tên miền bkav.com.
Đó cũng là bài học đắt giá cho Trung Nguyên khi một số tên miền trùng với thương hiệu Trung Nguyên được trỏ thẳng qua đối thủ cạnh tranh là Starbuck.
Nghề kinh doanh siêu lợi nhuận.
Thủ tục đăng kí tên miền ở Việt Nam hiện nay khá đơn giản, chỉ cần thanh toán phí đăng kí là 350.000 đồng và phí duy trì là 480.000 đồng/năm là người mua đã có trong tay tên miền mong muốn. Với những tên miền đẹp thuộc các lĩnh vực kinh doanh “hot” hoặc giống với thương hiệu các doanh nghiệp lớn, người bán có thể kiếm được từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng.
Theo giám đốc sàn giao dịch Tenmien.com cho biết, ông đã từng tham gia các giao dịch tên miền Việt Nam có giá trị rất cao như: Vietnam.com (khoảng 8 tỷ đồng), TravelVietnam.com (trên 500 triệu), VietnamFlights.com (trên 500 triệu), ChungKhoan.com (200 triệu), TuyenSinh.com, DaiHoc.com (xấp xỉ 190 triệu)…
Hay cách đây ít lâu, giới kinh doanh tên miền đẹp trong nước cũng từng xôn xao trước giao dịch thành công của tên miền hsbc.com.vn cho ngân hàng HSBC với giá trị gần 1 tỷ đồng hay bkav.com với giá 2,3 tỷ đồng.
Một trong những domainer nổi tiếng ở Việt Nam là anh Nguyễn Trọng Khoa, hiện đang nắm giữ hơn 700 tên miền của đủ mọi lĩnh vực khác nhau với giá trị ước tính hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, việc duy trì tên miền cũng tốn một số tiền không nhỏ, lên đến hơn 200 triệu đồng. Thế nhưng nếu xét theo tỉ lệ thì, lợi nhuận đem lại từ số lượng tên miền sẵn có vẫn lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra nếu đầu tư đúng hướng.
Sàn giao dịch tên miền – đến lúc phải có!
Bà Lê Thúy Hạnh, CEO của Công ty Digimarketing Vietnam đã có một cuộc trao đổi với BizLIVE về lĩnh vực đang phát triển khá nhanh: kinh doanh tên miền.
Giá trị tên miền hiện nay rất khó xác định, vậy thước đo nào để đánh giá giá trị thực tế của 1 tên miền, hay chỉ là thỏa thuận giữa người mua và người bán thưa bà?
Trên thế giới có sàn giao dịch Sedo.com nổi tiếng, họ có những chuyên gia chuyên định giá để giúp cho người mua và người bán gặp được nhau. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có. Việc giao dịch tên miền là thỏa thuận của người bán của người mua trong từng thời điểm nhất định. Ví dụ như khi kinh tế khủng hoảng, tên miền Insurance.com từ chưa có giá cụ thể đã vọt lên 16 triệu usd. Để đấu giá 16 triệu usd thì bên mua là người hiểu giá trị sử dụng của nó nhất và biết đó là giá mà khi họ mua thì họ sẽ còn thu về được nhiều hơn.
Tên miền chỉ là một phần trong kế hoạch kinh doanh của họ. Nếu kế hoạch kinh doanh tốt kết hợp với một tên miền giá trị thì thị trường và cơ hội của họ được mở rộng hơn rất nhiều. Do đó tên miền chỉ có giá trị với đơn vị kinh doanh có giá trị và cũng vô giá trị với những đơn vị kinh doanh không có giá trị. Bản chất tên miền là một giá trị vô hình.
Theo bà thì giá trị cốt lõi của tên miền là gì, và nó mang lại lợi ích gì cho người sử dụng?
Tên miền có giá trị vô hình lớn hơn giá trị hữu hình. Cho nên tên miền chỉ có thể phát huy được giá trị khi người sử dụng có những ý tưởng và kế hoạch, hoạt động kinh doanh tốt. Người sử dụng nếu là các nhà kinh doanh thì họ biết rằng nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào internet ngày càng nhiều hơn. Tên miền có giá trị lớn để hình thành nên thương hiệu số.
Có tên miền chính danh, chính ngành và chính sản phẩm dịch vụ sẽ giúp họ sớm được người dùng biết đến, tìm đến và mua hàng. Thời kỳ này là thời kỳ không phải mình đi tìm khách hàng mà khách hàng đi tìm mình. Do vậy, người nào có được vị trí đẹp và đông người trên mạng thì có lợi thế vô cùng lớn.
Hiện nay chưa có cơ chế quản lý thực sự đầy đủ cho hoạt động kinh doanh tên miền, rủi ro nào sẽ xảy ra cho cả người mua và người bán?
Việc chuyển nhượng tự do có quản lý và điều hành chung là vô cùng quan trọng. Nếu được tự do thì sẽ hỗ trợ cho toàn bộ ngành công nghệ thông tin, thị trường đăng ký tên miền, truyền thông số và thương mại điện tử phát triển. Đồng thời sẽ làm giảm được nhiều rủi ro không đáng có cho cả hai bên người đăng ký và người có nhu cầu sử dụng. Thị trường tên miền hình thành sẽ giúp minh bạch hóa các giao dịch và từ đó có nhiều cơ hội để tạo nên những sàn giao dịch chuyên nghiệp như ở các nước phát triển như: Sedo.com, Afternic.com, Tdnam.com...
Bà nhận định thị trường tên miền ở Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong thời gian sắp tới?
Xu hướng của thị trường tên miền sẽ rất sôi động. Trước hết là những tên miền để phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, dịch vụ thiết yếu. Sau đó là những tên miền ngành nghề có đóng góp GDP lớn. Tên miền thương hiệu nếu nhà đầu tư đúng chiến lược và phù hợp với luật pháp thì cũng có cơ hội được chuyển giao.
Việc tự do kinh doanh tên miền sẽ thúc đẩy thị trường đăng ký tên miền trở nên lớn mạnh. Có thể hàng triệu tên miền sẽ được đăng ký thay vì khoảng 400.000 tên miền như hiện nay.
|
Theo bizlive
|