|
Việc đầu cơ bằng cách mua tên miền trùng với tên của những nhân vật, nhãn hiệu nổi tiếng xuất hiện ngay từ khi tên miền Internet bắt đầu được đưa vào sử dụng. |
"Quản" chặt tên miền sẽ kìm hãm Internet phát triển
>>Đầu cơ tên miền: Bỗng dưng "tái" nở rộ / Tên miền Viettel.com có trước khi Viettel gia nhập thị trường viễn thông / DN phải "rắn" để không chịu mức giá tên miền “trên trời”
Lại "nóng" chuyện đầu cơ tên miền
Cuối tháng 12/2012, sau vụ tranh chấp tên miền và bị tập đoàn Eurowindow khởi kiện tội tống tiền, ông Nguyễn Trọng Khoa, người được mệnh danh là ông "trùm" tên miền vì sở hữu hàng trăm tên miền quốc tế của những tập đoàn lớn Việt Nam, đã viết 1 bức tâm thư trao trả lại toàn bộ tên miền thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, ông Khoa cho biết, sơ bộ sẽ có những doanh nghiệp sau được nhận lại tên miền .com do ông Khoa đã sở hữu: Ngân hàng Sacombank, Chứng khoán Phương Nam, Ngân hàng Vietin Bank, Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Eximbank, Kênh truyền hình đối ngoại quốc gia VTV-WORLD và VTC 10, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Tân Hoàng Minh Group, Tập đoàn CT Group, Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn...
Trong giới kinh doanh tên miền ở Việt Nam, "Nữ hoàng tên miền" Lê Thúy Hạnh cũng là một gương mặt nổi bật trong thời gian gần đây khi đang sở hữu khoảng 3.000 tên miền, trong đó có những tên miền .vn của một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank hay một số tên miền được rất nhiều người quan tâm như batdongsan.vn, nguoimau.vn, doanhnghiep.vn...
Trước đó, cộng đồng mạng đã xôn xao về việc trên các trang web rao bán domain, các tên miền trùng tên với những doanh nghiệp nổi tiếng ở Việt Nam như vietteltelecom.com, vnptgroup.com, vinaphone3g.vn… được định mức với mức giá “trên trời”, lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu đô la Mỹ. Đặc biệt, tên miền viettel.com được rao bán ngay trên chính trang chủ của tên miền này với cái giá lên đến hơn 30 tỷ đồng. Thậm chí, giới đầu cơ tên miền còn bắt chước lĩnh vực bất động sản đưa ra khẩu hiệu: “Đừng hy vọng mua được đất mặt tiền với giá đất nông nghiệp”.
Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) khẳng định, đầu cơ tên miền không phải là chuyện bây giờ mới có mà đã xuất hiện ngay từ khi tên miền Internet bắt đầu được đưa vào sử dụng. Trước kia, VNNIC đã quy định rất chặt việc cấp phát tên miền quốc gia ".vn" khi yêu cầu tên miền đăng ký phải có tên liên quan đến chủ thể hay không cho các cá nhân được quyền đăng ký tên miền. Điều này đã cản trở những người có nhu cầu đăng ký tên miền để kinh doanh sản phẩm và bảo hộ một cách thái quá vì khi đó doanh nghiệp sẽ ỉ lại không quan tâm đến việc sở hữu tên miền.
Chưa kể, cùng nhãn hiệu “Quê hương” nhưng Cục Sở hữu trí tuệ có thể cấp cho rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau theo các hình thức bảo hộ: từ những nhóm sản phẩm, dịch vụ khác nhau đến việc bảo hộ tổng thể. Nhưng khi chuyển sang tên miền thì chỉ có duy nhất một dãy ký tự tương ứng QUEHUONG có thể đăng ký được trong tên miền. Vậy tên miền này sẽ được bảo hộ cho ai? Đó chính là lý do mà ICANN (tổ chức quản lý tên miền quốc tế) và tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã phải đưa ra khuyến dụ áp dụng nguyên tắc "đăng ký trước được sử dụng trước" trong việc đăng ký tên miền. "Do đó, VNNIC phải thay đổi lại để phù hợp với thông lệ chung quốc tế và đã được quy định trong Thông tư 09/2008/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet nói chung, đó là ai đăng ký trước sẽ được sử dụng trước”, vị này khẳng định.
Cũng theo vị đại diện VNNIC, sau khi đăng ký, nếu xét thấy website có tên miền trùng tên với những cá nhân, công ty nổi tiếng phát tán những nội dung không lành mạnh, bôi nhọ hay sau 1 năm không đưa vào sử dụng thì VNNIC sẽ thu hồi lại tên miền đó. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp chứng minh được tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp mình hay tên miền đã được sử dụng với ý đồ xấu thì có thể khởi kiện lên Tòa án sau khi tiến hành thương lượng và thông qua trọng tài.
"Quản" chặt đăng ký tên miền sẽ làm kìm hãm sự phát triển
Trao đổi với ICTnews, một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, chúng ta không nên quá gay gắt đối với việc đầu cơ tên miền bởi vì ngay cả những tài nguyên quý giá và hiếm như bất động sản cũng xuất hiện tình trạng đầu cơ.
Ngoài ra, ý tưởng nên giới hạn số lượng tên miền cung cấp cho cá nhân là không thực sự hợp lý bởi nếu một siêu thị kinh doanh hàng nghìn mặt hàng thì việc họ đăng ký nghìn tên miền cũng là chuyện bình thường và không nên cấm hay bắt họ chứng minh năng lực tài chính khi đăng ký. "Chúng ta không thể vì một vài hành vi xấu mà hạn chế hay cấm người dùng đăng ký tên miền, từ đó vô tình cản trở sự phát triển của Internet", vị chuyên gia này kết luận.
Trong bức thư trao lại tên miền của mình, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, đối với các doanh nghiệp, hiệp hội đang hòa nhập vào sân chơi toàn cầu hóa thì việc trang bị ít nhất một website là điều gần như bắt buộc, trong đó tên miền thương hiệu đóng vai trò then chốt để doanh nghiệp tiếp thị, xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh dịch vụ, sản phẩm của mình. Nếu doanh nghiệp không sở hữu tên miền thương hiệu “chính chủ” thì việc chạy website với một tên miền khác sẽ gây bất lợi. Tuy nhiên, sự am hiểu và nhận thức tầm quan trọng của tên miền thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp, vì vậy vô tình tạo ra lỗ hổng - đây chính là cơ hội để những nhà đầu tư tên miền trong và ngoài nước nhanh tay bỏ tiền đăng ký, sở hữu. Ông Khoa hi vọng các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của tên miền thương hiệu và tránh rơi vào tình huống “mất bò mới lo làm chuồng”.
Thế Phương.(Ictnews)